Hậu quả Dust_Bowl

Máy móc và xe cộ bị vùi trong cát bụi ở một kho thóc tại Dallas, South Dakota. Ảnh chụp tháng 5 năm 1936.

Thảm họa của Dust Bowl làm trầm trọng thêm tai vạ mà cuộc Đại Khủng hoảng giáng xuống khu vực. Nó được mô tả như là một trong những thiên tai kinh khủng nhất trong vòng 350 năm.[30]

Ảnh hưởng đến kinh tế và nông nghiệp

Những cơn bão của sự kiện Dust Bowl đã gây xói mòn dữ dội ở đất nông nghiệp tại những vùng nó quét qua. Hơn 30 triệu hécta đất ở Texas, Kansas, Oklahoma, Colorado bị hư hại nặng nề[31]. Ở nhiều vùng, hơn 75% lượng đất ở tầng mặt đã bị cuốn đi[32] tính đến thập niên 1930. Ở những vùng khác có những con số mất mát khác hơn và thiệt hại giữa các vùng cũng khác nhau khá nhiều. Trong thời gian ngắn, xói mòn đất làm giảm năng suất nông nghiệp và kéo theo đó là giảm giá trị của đất đai, tuy nhiên việc phân bổ đất đai có thể thay đổi theo thời gian, trong đó bao hàm các yếu tố chuyển đổi mục đích sử dụng đất và dân số trong vùng suy giảm, dẫn đến sự phục hồi về giá thuê đất và giá trị đất[32].

Các thiệt hại ở những vùng bị xói mòn nhiều thì có tác động lâu dài hơn. Cho tới năm 1940, giá trị đất nông nghiệp những vùng bị xói mòn nhiều nhất đã sụt giảm mạnh (và vĩnh viễn), cụ thể giá trị đất nông nghiệp trên một mẫu Anh tại các vùng xói mòn nặng giảm 28%, tại các vùng xói mòn vừa giảm 17%, so với sự thay đổi giá trị đất ở các vùng ít xói mòn.[33] Đồng thời, sự sụt giảm năng suất và hoa lợi ở những vùng xói mòn nghiêm trọng không những nặng nề mà còn rất dai dẳng: các thống kê cho thấy ngay cả việc điều chỉnh canh tác ở các vùng xói mòn nặng chỉ có thể phục hồi chưa tới 25% tổn thất nguyên thủy về nông nghiệp tại những nơi đó[32].

Một nguyên nhân khiến thiệt hại kinh tế kéo dài là do người nông dân chậm thay đổi phương pháp canh tác để phù hợp với điều kiện xói mòn nặng, tỉ như chuyển từ trồng ngũ cốc sang chăn nuôi và trồng cỏ, ít nhất là trong giai đoạn Đại Khủng hoảng cho đến tận thập niên 1950 thì việc điều chỉnh canh tác vẫn còn chậm. Người ta nhiều nguyên nhân cho sự chậm trễ này, có thể là do các trại chủ chưa ý thức được lợi ích của việc thay đổi cách làm nông, nhưng cũng có thể là do việc thiếu hụt vốn để chuyển đổi cơ cấu sản xuất, gây ra bởi tỉ lệ phá sản và làm ăn thất bát rất cao của các ngân hàng trong khu vực này khiến người dân không thể tiếp cận được với nguồn vốn để thay đổi phương pháp canh tác.[34] Đồng thời, lợi nhuận thu được do việc thay đổi cây trồng và canh tác không khác bao nhiêu so với trước đó, vì vậy cho dù người nông dân nhận thức được lợi ích thật sự của công cuộc "cải tổ", họ cũng không có mấy động lực để tiến hành chương trình này.

Hạn hán trong thời gian diễn ra Dust Bowl được cho là sự kiện thiên tai gây thiệt hại kinh tế đứng hàng thứ hai trong lịch sử nước Mỹ, chỉ đứng sau đợt hạn hán nặng trong giai đoạn 1988-89. Do thiệt hại diễn ra ở quy mô quá lớn, ảnh hưởng cộng hưởng với cuộc Đại Khủng hoảng, giai đoạn phục hồi kinh tế nhanh chóng sau đó khi Chiến tranh thế giới thứ hai bắt đầu, và các phương pháp thống kê thiệt hại kinh tế thời đó còn sơ khai, việc định lượng chính xác những hậu quả kinh tế của Dust Bowl là rất khó khăn. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là sự kiện này đã góp phần đáng kể gây ra tình trạng hỗn loạn quy mô lớn ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế cả nước Mỹ. Thiệt hại nặng nề do những trận hạn hán liên quan đến Dust Bowllà nguyên nhân chính khiến chính phủ Hoa Kỳ gấp rút thi hành gói cứu trợ kinh tế cho vùng Đại Bình nguyên trong thập niên 1930.[35]

Ảnh hưởng cộng hưởng của sự kiện Dust Bowl và Đại khủng hoảng cho thấy mặt trái của chủ nghĩa thầu khoán, khi người kinh doanh chỉ chăm chăm chú ý đến lợi ích nhỏ lẻ, cá nhân, ngắn hạn và bỏ mặc nguy cơ về thiệt hại lâu dài cho cả cộng đồng do mình gây ra.[10]

Ảnh hưởng đến cư dân

Tập tin:On Arizona Highway 87, south of Chandler. Maricopa County, Arizona. Children in a democracy. A migra... - NARA - 522528.jpgMột gia đình di dân sống trong một chiếc xe moóc tại một vùng đồng trống.
Đất đai đã bị thổi bay đi mất rồi, và chúng ta phải di cư tới nơi khác mà thôi.
— Một mục sư ở Kansas phát biểu vào tháng 6 năm 1936

Năm 1935, nhiều gia đình buộc phải rời bỏ ruộng đất vì hạn hán kéo dài (đến 4 năm) và di cư đến nhiều nơi khác tìm kế sinh nhai.[36] Người dân ở các vùng Texas, Oklahoma và các vùng khác của Đại Bình nguyên phải bồng bế nhau đến các vùng lân cận. Hơn 500.000 người trở nên vô gia cư. Hơn 350 ngôi nhà bị phá hủy sau mỗi trận bão.[37] Nhiều người phá sản, nợ nần phải thế chấp nhà cửa, nhiều người khác bỏ nhà ra đi vì không thể nào sinh sống được tại địa phương.[38] Trong giai đoạn đỉnh cao của việc "mất nhà cửa" năm 1933-34, một phần 10 số trang trại phải chuyển đổi người sở hữu, một nửa trong số trường hợp đó là do bị bắt buộc. Ngay cả gói cứu trợ của chính phủ hầu trong nhiều trường hợp cũng không giúp họ bám trụ lại được.[11] Nhiều người di cư về miền Tây để tìm việc làm, trong số đó có những người di cư trên những chiếc xe cũ nát chứa vài món đồ tùy thân cùng với vợ con.[39] Nhiều người khác, nhất là cư dân vùng Kansas và Oklahoma, chết vì suy dinh dưỡng hoặc viêm phổi do bụi[26], đặc biệt là những trường hợp dễ thương tổn như người già, trẻ em hay người có tiền sử bị hen suyễn. Ngay cả gia súc và thú hoang cũng bị ngộp thở và bị mù do bão. Các biện pháp cứu trợ chỉ mang tính tạm thời và rất thô thiển, tỉ như phân phát mặt nạ chống độc hay bịt kín các khe cửa bằng giẻ lau.[10]

Sự kiện Dust Bowl đã gây ra cuộc di cư lớn nhất lịch sử Hoa Kỳ[40], khiến dân số nhiều nơi sụt xuống một cách thê thảm: vùng ngoại ô xung quan Boise, Oklahoma mất đến 40% dân cư do hậu quả của sự kiện này. Cho đến năm 1940, 2,5 triệu người phải di tản khỏi vùng Đại Bình nguyên; trong đó 200.000 người di tản đến California.[41] Chỉ trong vòng 1 năm, bang này đã phải tiếp nhận 86.000 người di cư. Con số này thậm chí còn lớn hơn số di dân đến Cali vào năm 1849 do ảnh hưởng của cơn sốt tìm vàng.[42] Nhiều gia đình phải bỏ quê hương vì nhà cửa và ruộng đất của họ đã bị ngân hàng tịch thu để thế nợ. Người di cư thường bị gọi dưới các biệt danh "Okie" (người gốc Oklahoma), "Arkie" (Arkansas), "Texies" (Texas), mặc dù nhiều người trong số họ cũng có nguồn gốc từ các bang khác như Missouri, Iowa, Nebraska, Kansas, Colorado, New Mexico.[37] Những cái biệt hiệu như vậy cũng được dùng trong thập niên 1930 để chỉ những người bị tán gia bại sản và phải vật lộn để sinh tồn trong cuộc Đại Khủng hoảng kinh tế.[43] Tất nhiên, một phần trong số dân di cư chỉ phải di chuyển đến các thành phố lân cận hay các vùng gần đó mà thôi. Dầu sao, đợt di cư khổng lồ này khiến tỉ lệ dân "bản địa" so với dân nhập cư ở các bang vùng Đại Bình nguyên trở nên gần bằng nhau.[44]

James N. Gregory đã nghiên cứu các số liệu ghi nhận bởi Cục Thống kê Hoa Kỳ cùng nhiều khảo sát khác và ông phát hiện ra nhiều điều bất ngờ. Ví dụ, năm 1939 khi Cục Kinh tế Nông nghiệp khảo sát về nơi ở của 116.000 gia đình di cư đến California trong thập niên 1930, họ nhận thấy chỉ có 43 phần trăm của những cư dân miền Tây Nam bắt tay vào canh tác nông nghiệp ngay khi họ đặt chân tới vùng đất mới. Gần một phần ba dân di cư là các chuyên gia hoặc các "công nhân cổ trắng" tay nghề cao.[45] Thật vậy, kinh tế suy sụp khiến nhiều thành phần cư dân khác đi cùng những nông dân phá sản tới California, trong đó có nhiều thầy giáo, luật sư, doanh nhân nhỏ cùng với gia đình của họ. Sau khi kinh tế phục hồi, nhiều người trở về nguyên quán, nhưng nhiều người khác đã định cư hẳn tại nơi ở mới. Khoảng 1/8 dân số California là người "gốc Oklahoma".[46]

Cuộc sống của những di dân này vô cùng khó khăn ở nơi ở mới. Ví dụ, các điền trang ở California đều thuộc quyền sở hữu của các công ty lớn, sử dụng các công nghệ rất hiện đại và các loại cây trồng mới mà người di dân chưa thể quen cách sử dụng, vì vậy việc làm nông, canh tác ở nơi ở mới là điều gần như không tưởng. Họ đi làm thuê trong các vườn nho và bông với mức lương bèo bọt, khoảng từ 0,75 đến 1,25 Mỹ kim mỗi ngày, sống trong các túp lều tạm bợ với giá thuê 0,25 Mỹ kim/ngày, và phải mua thực phẩm với giá cắt cổ. Số di dân nhiều mà công việc thì ít, và họ còn phải cạnh tranh với các nhân công gốc México, khiến 120.000 người Mễ phải hồi hương trong thập niên 1930. Thêm vào đó, giới chủ đồn điền còn phái cảnh sát tới đánh đập, đàn áp, đốt phá nhà cửa của dân di cư, vu khống họ là cộng sản. Điện là con số không, nước bẩn thỉu, hệ thống xử lý rác rưởi không có, môi trường sống mất vệ sinh, các loại thương hàn, sốt rét, đậu mùa, lao mặc sức hoành hành. Về sau, người di dân đã tự dựng được các lán lều ọp ẹp từ rác và phế liệu, và dần dần xây được các căn nhà tử tế, tìm cách hòa nhập vào cộng đồng địa phương, tuy nhiên họ vẫn tiếp tục chịu sự kì thị và bất công trong một thời gian tiếp theo nữa.[40]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Dust_Bowl http://books.google.ca/books?id=8fM-ZWXPe_QC&lpg=P... http://books.google.ca/books?id=DQ9ZoUJ1hWQC&pg=PA... http://books.google.ca/books?id=kwke_hhx8Z8C&lpg=P... http://books.google.ca/books?id=np1RwDQfpjsC&lpg=P... http://books.google.ca/books?id=rTK1N6owT1YC&lpg=P... http://books.google.ca/books?id=wnUYNCMvf8wC&lpg=P... http://books.google.com/books?id=jDbIymSFFxoC&prin... http://www.modbee.com/news/special-reports/article... http://select.nytimes.com/gst/abstract.html?res=F4... http://select.nytimes.com/gst/abstract.html?res=F6...